Bản thân giá trị - Giá trị bản thân
Có nhất thiết phải là ai, làm gì thì mới giá trị không?
Bản thân giá trị
Giá trị là một tính từ mà mỗi người dùng để nói về những vật, người, vấn đề mà bản thân cho là quan trọng, vô giá.
Nhưng điều gì mới thức sự quan trọng với bạn?
Xét về những điều giá trị bên ngoài, như phim Đào, Phở và và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Có lẽ 3 thứ trên nhìn chung là những thứ mà ta có thể dễ dàng có được, nhưng hình ảnh ẩn dụ cho sự khắc nghiệt đến nổi để có thể thoải mái tận hưởng cái đẹp ngọt ngào của hoa đào, ấm nóng thơm ngon từ bát phở hành hay không khí nhẹ nhàng bình yên khi nghe piano cũng là điều gì đó thực sự khó khăn.
Đôi lúc ta biết điều gì giá trị với mình qua những thứ ta mong muốn.
Ta muốn một chiếc xe, nhà cửa, ta xem tiền bạc vật chất là giá trị.
Một người đang bệnh nặng, chỉ mong khỏi bệnh, sức khoẻ là giá trị.
Hay có mấy ai trong xã hội ngày nay có thể xả thân quên mình vì nước, khi xem tính mạng bản thân là giá trị hơn là quê hương, dân tộc, hoà bình.
Đối với những người tại thời chiến, sự hoà bình là giá trị, khao khát cuộc sống yên bình, dẹp loạn chiến tranh là giá trị, nên cái người ta muốn bấy giờ chỉ là đào, phở và piano, như một sự bình dị giản đơn.
Những vật hữu hình hay vô hình, tôi làm việc, đánh đổi thời gian công sức để có được sẽ có giá trị tại thời điểm này, nhưng có lẽ không còn giá trị ở thời điểm khác.
Những điều ta xem thường tại lúc này, có khi đến lúc ta sẽ cần.
Thời gian và không gian vẫn là thứ tác động mạnh mẽ đến định nghĩa lên sự sống, khái niệm và thế giới quan của mỗi người.
Dù chỉ là một người dân không tên qua nhiều lời kể, hay thi sách ghi lại, chàng trai, cô gái chỉ mong sống cho giá trị mà mình khao khát, hơn là vật vờ sống không bằng chết, trong cái cảnh bom đạn, pháo nổ.
Đánh đổi tất cả để sống trong phút chốc với điều giá trị của mình.
Nỗi sợ chết có phải chỉ dành cho những ai chưa thực sự sống không?
Giá trị bản thân
Ta có thể giá trị với cha mẹ, người thân và bạn bè mà ta đồng hành, nhưng làm sao để có giá trị với người khác hay tất cả?
Và có nhất thiết cần phải như vậy hay không?
Đứng trước mỗi quyết định, những người xung quanh sẽ dựa theo hệ quy chiếu của họ cho ta những lời khuyên dựa theo những điều họ xem là giá trị.
Như cách ta quan tâm đến người khác, những vật ta chuẩn bị hay trao tặng, dù bản thân thấy đã bỏ nhiều tâm huyết, cũng không trách được cảnh người nhận không hài lòng.
Ta chỉ mong yêu và được yêu, sao mà mong được nhận và đáp theo cách mà ta muốn.
Tôi nghĩ mối quan hệ giữa người với người không phải là trò chơi tâm lý, cảm xúc để thâu tóm lẫn nhau.
Phải thể hiện ra mình có nhiều giá trị, như thông minh, giàu có, giỏi giang có thật là giá trị không? hay nó chỉ là “giá trị trao đổi”, rằng sự hữu dụng của bạn, sự cân nhắc hữu ích đó, ngay từ đầu sẽ đưa ra một mối quan hệ đổi chát lợi dụng - yêu thương có điều kiện.
Sự kỳ vọng, tranh chấp quyền lợi xuất phát từ yêu thương có điều kiện.
Nếu ta chẳng cần làm gì, ta lúc nào cũng làm sai, mà người ta vẫn bên cạnh, thì họ tự thấy mình giá trị, như gia đình vậy, khi có đủ sự yêu thương, tin tưởng, phải chăng là họ không cần ta phải đền đáp gì - yêu thương vô điều kiện.
Đôi lúc ta đang thoả cái cảm xúc tâm lý cho họ được làm người bảo vệ, người hướng dẫn, thì cũng trao đổi nhỉ, ta trao đổi năng lượng, yêu thương, nhưng ta độc lập và yêu thương họ chỉ vì họ là họ.
Bản thân ta nói rằng ta có giá trị cho xã hội khi thành công, truyền cảm hứng, làm điều giá trị, lan toả yêu thương và từ thiện.
Nhưng nếu ta làm việc xấu thì sao, ta là gì cho xã hội này? Ta cũng là tấm gương, là bài học cho người khác, cũng là một giá trị cho xã hội đấy sao.
Mọi thứ trên đời này, xem là vô nghĩa thì là vô nghĩa, xem là ý nghĩa, vô giá, thì cũng được thôi.
Sự giá trị của bản thân không thể hiện qua quan điểm hay lăng kính, bàn cân hay đối chiếu nào cả.
Cuộc sống này là của chính mình, bản thân cứ hãy sống theo các giá trị của mình, và cho đi những giá trị mà mình mong muốn. Lắng nghe chính bản thân mình, trau dồi và lan toả giá trị, theo hành trình của chính mình.
Không phải cứ phải là thành công hay có hào quang.
Nếu ta không thấy điều gì giá trị thì sao?
Đôi lúc tôi nghĩ đến những trường hợp “bất khả kháng”, liệu tôi sẽ mang thứ gì theo bản thân mình, hay khi tôi không còn đi cùng với thân xác này, tôi nên để lại cho đời.
Đi theo lối sông tối giản, hay không dính mắc, không bắt buộc phải có điều gì quá, không quyết liệt khao khát, liệu ta có tốt hơn không?
Càng xem nhiều thứ xung quanh có giá trị, ta gán cho mọi thứ xung quanh mình một giá trị liên kết với giá trị bản thân mình, khiến ta khó lòng buông hết những thứ xung quanh.
Lối sống tối giản có thể giúp ta đơn giản cuộc sống của mình hơn, không xem nặng điều gì, kể cả gia đình, người thân, thú cưng, vật dụng quen thuộc, không giữ lại quá nhiều đồ vật, chẳng phụ thuộc vào những thứ bên ngoài.
Vậy ta có đang sống hời hợt và phớt lờ những giá trị xung quanh không?
Chẳng có thứ gì thuộc về chính mình. Cả cái thân này, nhân cách, cá tính hay cái tôi, cũng không phải thứ mà ta phải vướng bận, cho đó là giá trị của mình.
Buông thứ mình thích, thương thứ mình ghét. - định nghĩa cho sự tu tập.
Khi buông thứ mình thích, ta không còn khao khát hay quá trông chờ điều đó cho chính mình, tránh bị thao túng tâm lỳ từ những người đưa ra điều kiện đó, khiến ta đánh mất chính bản thân mình.
Khi ta có những thứ gọi là dính mắc bên ngoài, xem những thứ đó là giá trị và ấn định khi có được sẽ khiến bản thân mình giá trị.
Giá trị bản thân của ta có nhiều điều kiện cần và đủ đến thế sao?
Từ lúc ta là một tế bào nhỏ xíu trong bụng mẹ, ta đã giá trị đến nhường nào?
Thế theo bạn, ta có cần làm gì để trở nên giá trị hay không?